Mặc dù thương hiệu còn khá lạ lẫm với người dùng Việt Nam, nhưng công nghệ cũng như hiệu năng đi kèm của chiếc router không dây APTEK A122e không hề kém cạnh nhiều sản phẩm cùng loại hiện có trên thị trường.

Ở mức giá bán lẻ đề xuất cực kỳ hấp dẫn - khoảng 580.000 đồng, APTEK A122e được xem là mẫu router Wi-Fi băng tần kép, hỗ trợ chuẩn AC, có khả năng cạnh tranh trực tiếp với một số mẫu Wi-Fi router chuẩn AC giá rẻ khác hiện có trên thị trường.

Tương tự dòng sản phẩm TotoLink A3 hay N200RE mà Test Lab từng có bài đánh giá, APTEK A122e thực sự không có nhiều nét đặc biệt về vẻ bề ngoài, tuy nhiên nhóm thử nghiệm tại Test Lab vẫn ấn tượng với router này bởi kích thước rất nhỏ gọn, thậm chí có thể nói rằng APTEK A122e chỉ to bằng bàn tay người lớn, và khá “sang chảnh” với tông nền trắng muốt, người dùng có thể sử dụng thiết bị như vật trang trí trên bàn làm việc hoặc cạnh tivi mà không phải lo lắng “lạc tông” nội thất trong nhà hoặc văn phòng cỡ nhỏ.

Hơn nữa, nhờ vào kích thước nhỏ gọn và trọng lượng nhẹ, nên APTEK A122e hoàn toàn thích hợp để treo tưởng, trần nhà hoặc những nơi trên cao nhằm tiết kiệm diện tích cũng như có thể lắp đặt nhằm tạo cho router này một không gian thông thoáng để vận hành hiệu quả.

Không giống những dòng router khác, để tối giản thiết kế để đạt đến kích thước nhỏ nhất có thể nên APTEK A122e chỉ trang bị 2 cổng LAN 10/100Mbps và 1 cổng WAN.

Test Lab thấy rằng thật tiếc khi mà cổng LAN/WAN trên APTEK A122e chưa đạt mốc tốc độ Giga (1000Mbps), nhưng suy cho cùng, ở mức giá dưới 600.000 đồng thì "điểm trừ" này hoàn toàn có thể được khách hàng "cho qua".

Tuy nhiên, để bù lại cho sự “hy sinh” về cổng vật lý, APTEK A122e được trang bị 2 anten tốc độ cao có độ lợi 5dBi và hỗ trợ thêm 2 tính năng cực kỳ hữu ích như Wi-Fi Anti-interferenceWi-Fi Burst Mode.

Cụ thể, Wi-Fi Anti-interference có khả năng cải thiện độ ổn định của kết nối trong môi trường có sự giao thoa với nhiều nguồn phát Wi-Fi khác, còn Wi-Fi Burst Mode sẽ đóng vai trò như chiếc nút “turbo”, lập tức tăng cường hiệu suất phát sóng cũng như truyền dẫn tín hiệu.

Để kiểm chứng điều này, Test Lab đã kết nối APTEK A122e với moderm cấp trên (bỏ qua các thao tác cấu hình chi tiết), sau đó đo cường độ sóng tại một vị trí cách router khoảng cách 5 đến 10 mét với một số vật cản không quá lớn, sau đó lần lượt đo chất lượng sóng trước và sau khi kích hoạt 2 tính năng trên bằng công cụ Wi-Fi analyzer, Speed Test và ứng dụng giả lập dòng lệnh Terminar.

Cường độ sóng, tốc độ và thời gian ping trước khi kích hoạt Wi-Fi Anti-interference và Wi-Fi Burst Mode.
 
Sau khi kích hoạt
 

Kết quả cho thấy, sau khi kích hoạt Wi-Fi Anti-interferenceWi-Fi Burst Mode, cường độ sóng được tăng nhẹ, tốc độ Download và Upload giảm nhẹ nhưng bù lại, Ping ổn định hơn so với trước khi kích hoạt. Điều này cho thấy, APTEK A122e có thể đảm đương nhiệm vụ cấp phát mạng Wi-Fi trong môi trường công sở, vốn thường xuyên có sự “lai tạp” giữa nhiều sóng Wi-Fi khác nhau.

Ngoài ra, APTEK A122e cũng được tích hợp một tính năng hiện đại khác là Fast Roaming. Cụ thể, Fast Roaming về cơ bản sẽ chủ động ngắt kết nối của thiết bị nhận khi chất lượng sóng truyền đến thiết bị này đã giảm đến mức rất thấp. Điều này sẽ cho phép thiết bị di động của người dùng chủ động hơn trong việc lựa chọn kết nối đến nguồn phát Wi-Fi gần nhất, nhằm giữ cho tình trạng kết nối mạng của thiết bịluôn ổn định.

Không những vậy, mẫu Wi-Fi Router này cũng có thể đảm đương nhiệm vụ của một thiết bị thu, tiếp sóng Wi-Fi có sẵn thông qua chế độ Repearter Mode, giúp người dùng có thêm nhiều lựa chọn khu vực lắp đặt thiết bị mà không phải bận tâm về cách đi dây mạng. Lẽ dĩ nhiên là khu vực lắp đặt APTEK A122e ở chế độ Repeater cũng phải ở gần nguồn phát Wi-Fi nào đó và một ổ điện gia dụng.

Cấu hình đơn giản, nhiều tính năng giám sát

Qua sử dụng thực tế, Test Lab nhận thấy An Phát dường như rất chú trọng vào việc cấu hình thiết bị khi mà cung cấp một giao diện người dùng rất trực quan và dễ hiểu, đặc biệt là những ai chưa từng một lần triển khai lắp đặt mạng Wi-Fi cho văn phòng hay gia đình cũng đều có thể dễ dàng thiết lập APTEK A122e, thậm chí là không cần dùng đến máy tính.

Cụ thể hơn, sau khi ghim cáp nguồn cho router và kết nối smartphone với thiết bị này qua đường Wi-Fi mặc định, Test lab chỉ cần sử dụng bất kỳ trình duyệt có sẵn trên điện thoại và truy cập vào địa chỉ IP mặc định của router (tức 192.168.1.1).

Trong lần cấu hình đầu tiên, nếu chưa kết nối với router/moderm cấp trên qua cổng WAN, APTEK A122e sẽ lập tức hiển thị 2 tùy chọn là Ethernet và Wi-Fi Repeater để người dùng chọn cách thức vận hành của router.

Các thao tác cấu hình nhanh A122e trên smartphone.
 
 

Theo đó, đối với Wi-Fi Repeter, Test Lab có thể tùy chọn mạng có sẵn để tiếp sóng có sẵn chỉ với vài thao tác đơn giản. Tuy nhiên, sau khi kết nối hoàn tất và đã có thể ra Internet, APTEK A122e lại không thay đổi tên SSID giống như nguồn phát hoặc thêm đuôi –ext, thay vào đó, người dùng sẽ buộc phải phải thao tác thủ công trong trang cấu hình chi tiết cho 2 băng tần 2,4GHz và 5GHz, bao gồm cả tên SSID, chuẩn mã hóa và mật khẩu.

Ngoài ra, Test Lab cũng nhận thấy nút WPS trên APTEK A122e không đóng vai trò là đầu nối dành cho việc tiếp/lặp sóng như các thiết bị mở rộng sóng chuyên dụng mà chỉ có thể kết nối WPS với các thiết bị cuối như smartphone, laptop,..

Giao diện kích hoạt WPS của A122e

Nói một chút về giao diện Home của APTEK A122e trên cả phiên bản mobile lẫn PC, mặc dù có giao diện khá đẹp mắt với nhiều màu sắc tương ứng với từng mục cụ thể, cho phép người dùng dễ dàng chỉnh sửa mọi thông số kỹ thuật của router, nhưng giao diện cấu hình vẫn chưa hỗ trợ tiếng Việt. Do đó, hy vọng ở các lần nâng cấp firmware tới, công ty An Phát sẽ bổ sung giao diện tiếng Việt cũng như thay đổi vị trí các tính năng để dễ dàng hơn cho người dùng trong nước.

Giao diện home của A122e phiên bản trình duyệt trên máy tính.

Vẫn tại giao diện cấu hình, bạn chỉ cần truy cập 2.4G/5G WLAN là đã có thể tùy chỉnh lại 2 SSID mặc định theo ý mình, bao gồm tên SSID, mật khẩu, chuẩn mã hóa. Đáng chú ý, như đã nhắc đến ở phần trên, bạn cũng có thể trượt thanh kích hoạt Wi-Fi Anti-interferenceWi-Fi Burst Mode để tăng cường khả năng cấp phát sóng Wi-Fi.

 

Trang cấu hình SSID băng tần 2,4GHz.

Lưu ý, bạn sẽ thấy 2 tùy chọn khác là WiFi Smart Frequency (thay đổi cách hoạt động để ổn định Wi-Fi trong môi trường nhiều nhiễu) và Antenna Redundancy (thay đổi cách vận hành của anten). Tuy nhiên, nhà sản xuất khuyến cáo rằng người dùng nên để chúng mặc định dù cho các thông tin đi kèm nghe có vẻ rất hấp dẫn.

Hơn nữa, nếu lắp đặt APTEK A122e tại phòng khách hoặc khu vực thường có khách vãng lai, người dùng có thể tạo thêm SSID Guest Access trên cả 2 băng tần 2,4GHz và 5GHz. Đáng chú ý, người quản trị có thể thay đổi “van” băng thông cho mạng khách vãng lai ứng với 10 – 50% tổng băng thông của hệ thống mạng.

Giao diện tính năng Guest Access.

Ngoài những tính năng cơ bản vừa kể trên, Test Lab nhận thấy phần lớn tính năng được tích hợp trên giúp người quản trị có thể dễ dàng quản lý router và các thiết bị kết nối vào mạng Wi-Fi một cách hữu hiệu nhất.

Một trong số đó phải kể đến chính là tính năng router QoS (Quality of Service). Tính năng này cho phép người dùng có thể dễ dàng quản lý lưu lượng băng thông tối đa cho mọi kết nối Internet thông qua router. Đặc biệt, APTEK A122e cũng cho phép tùy chỉnh thông số Download và Upload trên từng thiết bị cụ thể. Qua đó, người dùng có thể dễ dàng hơn trong việc quản lý đầu ra Internet trên từng thiết bị mình muốn thay vì giới hạn toàn bộ hệ thống mạng.

 

Giao diện tính năng QoS.

Bên cạnh đó, Test Lab cũng nhận thấy rằng chức năng Website Filter trên APTEK A122e có khả năng tạo ra tối đa 48 lệnh (rule), giúp người quản trị có thêm nhiều tùy chọn hơn trong việc hạn chế truy cập đến những website cụ thể.

Một tính năng khá mới mẻ khác được tích hợp trên APTEK A122e đó là lịch điều chỉnh cường độ sóng Wi-Fi. Tính năng này về cơ bản sẽ thay đổi công suất phát sóng Wi-Fi theo từng thời điểm trong ngày, tùy thuộc vào người dùng thiết lập.

Quản lý công suất phát sóng của APTEK A122e.

Ngoài ra, APTEK A122e cũng hỗ trợ một loạt các tính năng nâng cao khác dành riêng cho người quản trị như, Port Forwarding, Dual Wan, Firewall, VPN, NAT, tự chọn kênh phát Wi-Fi, DMZ, DHCP Server, NO-IP cho camera, GPON,…

Hiệu suất và tầm phủ sóng Wi-Fi

Đại diện An Phát cho biết, APTEK A122e có thể đạt tốc độ băng thông tối đa lên đến 1.167Mbps (867Mbps cho băng tần 5GHz và 300Mbps cho băng tần 2,4GHz), hỗ trợ tự động chia tải giữa 2 băng tần và có thể đảm nhiệm kết nối lý thuyết cho 40 thiết bị cùng lúc, rất phù hợp với điều kiện hạ tầng mạng tại Việt Nam hiện nay và đáp ứng được nhu cầu sử dụng mạng của người dùng trong công việc hoặc giải trí qua trò chơi, xem phim Full HD, video streaming mà không cảm thấy bị lag, giật.

Tựa như những thử nghiệm trước đây, Test Lab cũng tiến hành kết nối APTEK A122e với modem cấp trên thuộc nhà cung cấp VNPT dùng gói cước lý thuyết 30Mb/s.

Với bài kiểm tra về phạm vi bao phủ sóng Wi-Fi, chúng tôi cũng tiến hành lắp đặt router tại một phòng kín và tăng dần khoảng cách đo sóng bằng công cụ đo chất lượng sóng Wi-Fi Analyzer (mặc định thấp nhất là -40dbm) kèm theo công cụ Speedtest.

Dưới đây là kết quả được Test Lab ghi lại ở các khoảng cách khác nhau khi tiến xa ra rìa vùng phủ sóng của APTEK A122e.

Cường độ sóng và tốc độ ở phạm vi 5 đên 15 mét.
 
Cường độ sóng và tốc độ ở phạm vi 5 đên 15 mét.
 
 
Cường độ và tốc độ giảm hẳn trong phạm vi từ 20 đến 25 mét
 
 
 

Ở khoảng cách 30 mét thì tốc độ đã giảm xuống mức rất thấp. Tuy nhiên, với môi trường gia đình, công sở nhiều nhiễu và có vật cản là bức tường, thì đây cụng là khoảng cách khá lớn

Trong khi đó, với bài kiểm tra khả năng truyền tải dữ liệu nội bộ qua mạng Wi-Fi (băng tần 5GHz) và LAN, Test Lab đã cho kết nối giữa 2 laptop (dùng ổ cứng SSD) có hỗ trợ chuẩn AC với APTEK A122e, sau đó tiến hành do lần lượt bằng công cụ LAN SpeedTest.

Kết quả cho thấy, với việc truyền gói tin có kích thước 1GB, tốc độ truyền qua mạng Wi-Fi (băng tần 5GHz) có thể đạt tốc độ đọc/ghi (Download/Upload) lên đến hơn 80/122 Mbps. Trong khi đó, tốc độ đọc/ghi qua mạng LAN cũng đạt đến tốc độ 67/88 Mbps.

Tốc độ đọc/ghi qua mạng Wi-Fi (băng tần 5GHz).
 
Tốc độ đọc/ghi qua mạng LAN.

Cuối cùng, với bài kiểm tra về khả năng cạnh tranh giữa môi trường giao thoa với nhiều sóng Wi-Fi từ các nguồn phát khác, APTEK A122e thực sự không nổi bật hơn so với các “đối thủ” của mình. Bằng chứng là SSID của router này (Testlab_APTEK-2,4/5GHz) tỏ ra “đuối sức” giữa một “rừng” SSID xung quanh. Có lẽ An Phát cũng đã dự trù được khả năng của APTEK A122e nên mới trang bị một loạt các tính năng hỗ trợ vừa được giới thiệu trên.

Cường sộ sóng của A122e (SSID APTEK 2,4G - màu đỏ) trong môi trường giao thoa giữa nhiều sóng Wi-Fi khác.

Thay lời kết

Nhìn chung, mặc dù là APTEK A122e vẫn còn khá mới mẻ so với những tên tuổi khác trong “làng” thiết bị định tuyến không dây hiện nay, nhưng với kết quả thử nghiệm khả quan cùng những tính năng, công nghệ mới đi kèm, Test Lab tin chắc rằng sản phẩm này sẽ mang đến sự hài lòng cho người dùng trong việc cấp phát mạng Wi-Fi dành cho gia đình hoặc văn phòng cỡ nhỏ.

Theo PCWORLD VN